6 LOẠI HÓA CHẤT DIỆT KHUẨN AO NUÔI TÔM
Hiệu quả của quá trình nuôi tôm phụ thuốc rất lớn vào môi trường nước. Khi nước ao nuôi bẩn, môi trường bị nhiễm khuẩn, chất hữu cơ nhiều làm tôm nuôi bị stress và lúc này mầm bệnh rất dễ dàng xâm nhập gây bệnh cho tôm. Do đó, việc cải tạo môi trường, diệt khuẩn trước, trong và sau vụ nuôi là công tác không thể thiếu để mang lại sự thành công cho một vụ nuôi. Cùng HTVLAB tìm hiểu một số hóa chất diệt khuẩn ao nuôi và lưu ý khi sử dụng chúng.
1. BKC (Benzalkonium Chloride) 80%:
BKC là một muối amoni hữu cơ đã được sử dụng từ rất lâu trong thủy sản, BKC dễ dàng đi vào và phá hủy màng tế bào, ngưng trệ các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn. Bên cạnh đó còn có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật đơn bào, virus, nấm mốc và khống chế sự phát triển của tảo.
Cách sử dụng:
- Sát trùng lúc chuẩn bị ao: 1 lít/1500m3
- Sát trùng định kỳ : 1lit/ 2500m3 , 2 tuần xử lý 1 lần
Hạn chế khi sử dụng BKC:
- Gây khó chịu cho người sử dụng: mùi nồng, cay mắt – nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp . phải có đồ bảo hộ như bao tay, khẩu trang, mắt kính,…khi sử dụng.
- BKC sử dụng quá liều dễ gây tồn dư trong tôm và làm giảm giá trị , bị thương lái ép giá khi thu mua . Vì vậy trước khi thu hoạch cần ngưng sử dụng BKC 30 ngày.
Lưu ý khi sử dụng BKC:
- Không sử dụng trực tiếp mà phải pha loãng BKC rồi tạt đều thuốc lên bề mặt ao
- Nên dùng vào buổi trưa, nắng gắt để tăng hiệu quả của BKC.
- Đeo bảo hộ lao động khi sử dụng: kính, bao tay, khẩu trang …
- Giai đoạn mới thả tôm, tôm dưới 10 ngày không nên sử dụng BKC vì tôm giai đoạn này yếu dễ bị BKC giết chết.
2. Đồng Sunfat (CuSO4.5H2O):
Nói đến đồng Sunfat thì bà con đã quá quen thuộc về công dụng diệt tảo và làm trong nước của nó. Ngoài ra nó còn có khả năng diệt khuẩn và ký sinh trùng tên tôm, cá,…Đồng Sunfat có kết tinh màu xanh dương, không màu, không mùi và rất dễ tan vào nước.
Nhưng hiện nay đồng Sunfat rất ít được sử dụng do tính độc hại ảnh hưởng đến con người và vật nuôi nên bà con cũng hạn chế sử dụng.
Tác hại của đồng sunfat:
– Khi người sử dụng tiếp xúc với đồng sunfat quá mức có thể gây kích ứng cho miệng, mắt, mũi, với hiện tượng đau đầu. Nếu tiếp xúc với liều lượng ở một thời gian dài có thể gây tổn thương đến gan, hệ thần kinh, thận và mắt.
– Đối với tôm, nếu không biết cách điều chỉnh liều lượng thích hợp có thể khiến tôm bị nhiễm độc, phản tác dụng làm tôm chậm lớn.
Lưu ý khi sử dụng đồng Sunfat:
– Tỷ lệ Đồng Sunfat tính bằng mg/l và không nên vượt quá 0.01 tổng độ kiềm. Nếu nồng độ kiềm là 100 mg/l, lượng đồng sunfat tối đa sẽ là 1mg/l hoặc 0.25mg/l. Sử dụng quá liều dễ gây ảnh hưởng đến tôm làm tôm chậm lớn
– Không sử dụng khi thời tiết âm u, trời mưa.
– Không được tháo nước trong ao sau khi xử lý Đồng Sunfat trước 72h vì xả nước ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài ao.
3. Chlorine (Clo diệt khuẩn):
Clo là tên viết tắt của Chlorine là thành phần trong các hợp chất phổ biến trên thị trường hiện nay như hypochlorite canxi (Ca(OCl)2) – dạng chlorine khan và hypochlorite natri (NaOCl) – dạng dung dịch. Các hóa chất Chlorine có thể tan trong nước và phản ứng Oxy hóa có tác dụng diệt khuẩn cực mạnh
Sử dụng Chlorine trong nuôi tôm:
Vì clo có tính diệt khuẩn cao nên chỉ sử dụng trong khâu xử lý nước ao lắng để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho ao tôm được sạch khuẩn , ngoài ra có thể diệt cả khuẩn Vibrio gây phát sáng trên tôm.
Liều lượng sử dụng Chlorine trong thủy sản:
- Khử trùng thiết bị, bể và dụng cụ: 100 – 200ppm, từ 100 – 200 kg cho 1000 m3 nước trong (30 phút)
- Khử trùng đáy ao: 50 – 100ppm (50 -100kg/ 1000m3). Xử lý khi tôm, cá của vụ nuôi trước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
- Khử trùng nước ao: 25 – 35ppm (25-35kg/ 1000m3) trong trường hợp sử dụng trực tiếp trong ao nuôi khi chưa có tôm nhưng khi sau xử lý thuốc tím và PAC thì liều dùng chlorine nên áp dụng linh hoạt từ 5-15 ppm (5-15kg/ 1000m3) tùy theo giai đoạn tuổi của tôm.
- Một lưu ý để nhận biết chlorine có hoạt lực tốt và đủ liều là sau khi sử dụng chlorine nước sẽ càng trong hơn sau xử lý. Trường hợp nước sau xử lý Chlorine nước bị đục đỏ thì nên xem lại quy trình xử lý và hàm lượng hữu cơ trong nước.
Hạn chế của Chlorine:
- Sau khi dùng Chlorine xử lý nước ao nên để ao 1-2 ngày cho bay hơi hết Clo rồi mới sử dụng
- Giảm tác dụng khi độ pH cao, đặc biệt là khi pH trên 8.
- Không nên lạm dụng Chlorine trong diệt khuẩn vì khi diệt nhiều đáy ao tồn đọng clo khó gây màu nước ảnh hưởng vụ nuôi.
- Sau khi dùng clo diệt khuẩn cần cấy lại vi sinh có lợi cho ao.
Lưu ý khi sử dụng Chlorine trong xử lý ao nuôi thủy sản:
- Chỉ nên dùng Chlorine (Clo) để xử lý nguồn nước cấp (tức là dùng trong ao lắng hoặc ao nuôi chưa có tôm cá) vì dư lượng Clo sẽ gây độc cho cá, tôm nuôi và các loài thủy sinh vật. Nếu dùng trong ao nuôi thì phải dùng với liều lượng rất thấp được khuyên dùng bởi kỹ sư thủy sản có chuyên môn
- Không nên sử dụng Clo khi nước ao giàu dinh dưỡng, chất hữu cơ vì sẽ xảy ra phản ứng phụ sinh ra chất độc gây hại cho thủy sản và clo còn diệt hết cả vi sinh vật có lợi.
- Khi đã sử dụng Clo thì không được sử dụng các hóa chất diệt khuẩn khác như: BKC, Formaline,…vì phổ diệt khuẩn của Clo rộng hơn 2 loại kia nên sử dụng thêm hầu như không có tác dụng
- Không nên bón vôi trước khi sử dụng clo vì Clo sẽ bị giảm tác dụng khi độ pH cao. Clo tác dụng tốt nhất khi pH nhỏ hơn 6
- Khi pha trộn clo nên có quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang vì mùi clo rất nồng và ảnh hưởng đến da nêu ta chạm vào.
- Khi pha clo nên cho Clo vào thùng phuy hay bể chứa có nước sẵn, tránh làm ngược lại vì đổ nước vào clo gây hiện tượng bắn nổ văng vào người nguy hiểm.
- Phổ diệt trùng của Clo rất rộng nên hầu như tất cả các loại vi khuẩn có lợi lẫn có hại đều bị tiêu diệt, dẫn đến đáy ao bị trơ và khó gây màu. Vì vậy, cần sử dụng các loại men vi sinh để khôi phục lại hệ vi sinh của đáy ao sau khi sử dụng Clo 2-3 ngày.
- Đối với ao tôm, sau khi sử dụng Clo nên tiến hành chạy quạt mạnh để giảm hàm lượng Clo tồn dư và có thể sử dụng bộ test Clo Sera để kiểm tra hàm lượng Clo tồn dư.
4. Thuốc tím KMnO4
Thuốc tím thương mại ở dạng tinh thể hoặc bột. Đối với thuốc tím, phải hòa tan trong nước trước khi sử dụng thì hiệu quả xử lý nước mới tối ưu được. Hiện nay thuốc tím được sử dụng rất rộng rãi trong các mô hình nuôi thay nước 2 giai đoạn và 3 giai đoạn trong quá trình xử lý nước và diệt khuẩn.
Tác dụng của thuốc tím trong thủy sản:
- Thuốc tím ( KMnO4) có khả năng làm trong nước theo nguyên lý cần bằng điện tích, các hạt hạt phù sa, keo khoáng mang điện tích âm, Mn mang điện tích dương làm cho keo khoáng trở nên trung tính và lắng tụ.
- Thuốc tím là chất oxy hóa mạnh nên có tính sát khuẩn, diệt vi khuẩn, tảo bằng cách oxy hóa trực tiếp lên màng tế bào phá hủy các enzyme đặc hiệu điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào. Nhưng vì phổ diệt khuẩn của thuốc tím hẹp nên vẫn cần dùng Chlorine vào giai đoạn xử lý nước
Liều dùng:
Trên thực tế hiện nay liều dùng thuốc tím cho xử lý nước trong các ao lắng thường là 3-5ppm ( 3-5kg cho 1000m3)
Lưu ý khi sử dụng thuốc tím:
- Thuốc tím chỉ nên xử lý trong ao lắng trong các mô hình nuôi thay nước để oxy hóa vật chất hữu cơ, diệt khuẩn trong nước.
- Thuốc tím là chất oxy hóa mạnh, vì vậy khi bảo quản cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và tránh nhiệt độ cao.
- Thuốc tím sau khi pha phải được sử dụng ngay để tránh làm mất hoạt tính của thuốc.
5. Iodine
Trong nuôi trồng thủy sản thì một trong các loại Iodine được biết đến nhiều nhất đó là Povidone – Iodine. Với hàm lượng của iodine chiếm 9 – 12% tính sẽ giúp giải phóng từ từ vào môi trường nước xung quanh, vì vậy sẽ giảm thiểu tối đa tính độc của Iodine trên cơ thể vật nuôi. Iodine khi được giải phóng từ PVP-I sẽ có tác dụng giúp duy trì tác dụng khử khuẩn kéo dài 4 – 6 giờ do vậy ít kích ứng tế bào và mô của tôm.
Cách sử dụng iodine:
- Sát trùng bể ương, ao bạt: 2,5 mL/ 1 lít nước. Pha thuốc với nước sạch rồi tưới ướt bề mặt bể, để yên trong 30-60 phút, sau đó rửa thật sạch bằng nước thường.
- Vệ sinh các dụng cụ: 2 mL/ 1 lít nước. Pha thuốc với nước sạch rồi ngâm các dụng cụ trong 20-30 phút, sau đó rửa sạch các dụng cụ bằng nước thường và để ở nơi khô ráo.
- Sát trùng nguồn nước nuôi tôm: 2,5 mL/ m3 nước ao. Pha rồi tạt đều trên bề mặt ao nuôi.
Lưu ý khi sử dụng các loại Iodine:
- Đối với các loại Iodine nhiệt độ trên 35oC thuốc bị mất tác dụng nhanh chóng đồng thời ánh sáng mặt trời cũng làm thuốc bị phân hủy nhanh nên thường tạt vào chiều mát .
- Các loại Iodine có khả năng diệt phiêu sinh vật, nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nên cần chú ý liều lượng khi sử dụng
- Các loại Iodine cũng có thể diệt tảo làm nước quá trong ảnh hưởng đến việc ăn mồi của tôm.
- Bạn cũng cần chú ý đến khả năng diệt hết vi sinh vật có lợi trong nước và đáy ao, từ đó ức chế quá trình phân giải chất hữu cơ trong ao nuôi nên vì vậy sau khi diệt khuẩn từ 1-2 ngày cần cấy lại vi sinh cho ao bằng vi sinh EM-AQUA
- Các loại Iodine cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm, sử dụng thường xuyên có thể gây chậm lớn giảm năng suất.
6. Hóa chất diệt khuẩn TCCA 90%
Với công thức hoá học: C3H3N3O3CL3, TCCA tương tự Chlorine khi hòa tan trong nước tạo hoạt chất HClO có tính oxy hóa khi xâm nhập được vào màn tế bào của vi sinh vật nên được áp dụng rộng rãi vào mục đích diệt khuẩn và sát trùng ao nuôi.
Công dụng của TCCA trong nuôi tôm:
- Xử lý nước trong khi nuôi tôm, phòng và trị hiệu quả các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật.
- Diệt khuẩn, nấm mốc, diệt vi khuẩn virbio trị bệnh phát sáng.
- Ngừa và xử lý các bệnh do vi khuẩn gây ra trên thân tôm: đứt râu mòn đuôi, đóng nhớt, vàng mang, đen mang,…kích thích tôm lột xác theo đúng chu kỳ.
- Tiêu diệt các vi sinh vật, diệt tảo, rong rêu trong nước.
Cách dùng cho từng mục đích:
Xử lý đáy hồ trước khi nuôi:
* Mục đích: diệt mầm bệnh dưới đáy ao nuôi của những vụ trước
- Liều lượng (2-2,5ppm) 2kg-2,5kg/1000m3
- Cách dùng: phơi ao hồ 3 ngày, hòa tan thuốc vào nước và phun đều ao hồ, sau 3-5 ngày cho nước vào và thả giống
* Xử lý nước trước khi nuôi: có 2 cách dùng
a. Mục đích: diệt khuẩn, mầm bệnh, các loại giáp xác và cá tạp trước khi nuôi
- Liều lượng 13kg-16kg/1000m3 nước (13ppm-16ppm) khi pH nhỏ hơn 7
- Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước và tạt đều khắp hồ sau 7 ngày thì bắt đầu thả giống
b. Mục đích: làm sạch, khử trùng ao hồ trước khi nuôi
- Liều lượng: 0,5kg-1kg/1000m3 nước (0,5ppm-1ppm)
- Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước và phun đều khắp hồ
Lưu ý:
- Để đạt hiệu quả sử dụng cao nhất nên sử dụng vào buổi chiều tối lúc pH thấp thì hiệu quả sẽ cao.
- Không sử dụng dụng cụ và vật chứa bằng kim loại vì sản phẩm TCCA ăn mòn kim loại.
- Đề phòng bị sặc khi bỏ thuốc vào nước vì khi tan trong nước TCCA thải ra khí Clo.
- Nên mang đồ bảo hộ khi pha chế thuốc: áo mưa, bao tay, mắt kính, khẩu trang,…
Chỉ sử dụng sau thuốc khi đã hoà tan hết vào trong nước để có kết quả tốt nhất.
Không để gần hoặc sử dụng cùng lúc với các loại sản phẩm có tính kiềm vì làm tăng pH giảm tác dụng của TCCA
Bài viết này đưa ra 6 loại hóa chất thường dùng để diệt khuẩn trong nuôi tôm, bà con có thể tham khảo và áp dụng vào mô hình nuôi của mình cho thích hợp. Tùy vào mỗi loại hay tính chất nước cần xử lý mà liều lượng dùng có thể thay đổi chút xíu, bà con có thể linh động tăng hoặc giảm nếu nước lấy vào nhiều cặn bẩn hữu cơ hay mầm bệnh từ vụ trước vẫn còn.