WHO nói gì về siêu biến thể Omicron lây hơn 500% so với Delta
Đại diện WHO trấn an về siêu biến thể Omicron - siêu biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 500% so với biến thể Delta
Theo Newsweek, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) - cho biết, siêu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 500% so với biến thể Delta, và "đây là chỉ số đáng kinh ngạc nhất tới nay".
WHO trấn an
Hãng thông tấn TASS dẫn lời đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Nga, bà Melita Vujnovic nói rằng, không có cơ sở để hoảng sợ về biến thể Omicron, bởi vì hiện tại chưa có thông tin về mức độ bảo vệ mà vaccine có thể cung cấp chống lại chủng virus này.
"Đối với tôi, có vẻ như không nên hoảng sợ, bởi vì chúng ta vẫn chưa biết liệu Omicron có thể vượt qua lá chắn bảo vệ do vaccine tạo ra hay hiệu quả của nó sẽ giảm ở mức độ nào" - bà nói.
Đại diện WHO thông tin thêm, đã có giả thuyết cho rằng biến thể Omicron có thể dễ lây lan hơn so với các chủng COVID-19, nhưng các nhà khoa học cần chờ xem biến thể mới này lây lan như thế nào.
"Biến thể Beta cũng rất dễ lây lan" - bà nói, đề cập đến chủng Beta, từng là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng và giới khoa học vào đầu năm nay. Tuy nhiên, biến thể Delta lây lan rộng và nhanh hơn cuối cùng đã trở thành biến thể áp đảo.
Ở Châu Âu, biến thể Omicron đã được phát hiện ở Vương quốc Anh, Italia, Đức, Czech và một trường hợp đáng ngờ đã được báo cáo ở Áo.
Chạy đua với thời gian
"Biến thể này đang lan rộng khắp thế giới, với hai trường hợp cho đến nay đã được xác định ở Anh. Như mọi khi với một biến thể mới, có rất nhiều điều chúng ta không thể biết ở giai đoạn đầu này, nhưng các nhà khoa học đang tìm hiểu thêm từng giờ" - Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu với báo giới hôm 27.11, đồng thời nói thêm rằng "có vẻ Omicron lây lan rất nhanh, và có thể lây lan giữa những người đã được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19".
Theo lời của ông, virus đã trải qua nhiều đột biến, có nghĩa là nó khác biệt khá nhiều so với "các cấu hình trước đây của virus". "Và kết quả là nó có thể, ít nhất một phần, làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine theo thời gian" - Thủ tướng Anh nói.
Ông Boris Johnson đã công bố một loạt "các biện pháp có mục tiêu và tương xứng" để ngăn chặn virus lây lan, bao gồm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, tất cả những người nhập cảnh vào Anh sẽ phải test PCR và tự cách ly cho đến khi biết kết quả. Nước này cũng đã đình chỉ dịch vụ hàng không với một số quốc gia Châu Phi.
Trong khi đó, Cố vấn Y tế trưởng của Tổng thống Mỹ kiêm Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci nói với Politico hôm 27.11 rằng, biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không.
“Một điều rõ ràng là Omicron rất dễ lây. Lý do đóng cửa biên giới là để có thời gian chuẩn bị tốt hơn và tìm hiểu thêm về biến thể, khả năng lây lan của nó, khả năng né tránh các phản ứng miễn dịch và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra" - ông Fauci nói, đồng thời cho rằng ngay cả khi các cá nhân nhiễm biến thể Omicron, họ có thể không cần nhập viện.
Khi được hỏi liệu các ca nhiễm Omicron đã được phát hiện ở Mỹ chưa, ông Fauci trả lời: "Không có bằng chứng cho thấy nó đã lây lan đến Mỹ nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu cuối cùng nó hạ cánh ở đây".
Mỹ khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ em
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ cho tất cả các cá nhân từ năm tuổi trở lên có liên quan đến biến thể Omicron.
"CDC khuyến cáo mọi người tuân theo các chiến lược phòng ngừa như đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà ở những khu vực cộng đồng có khả năng lây lan mạnh, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách với những người khác. CDC cũng khuyến cáo mọi người từ 5 tuổi trở lên tự bảo vệ mình khỏi COVID-19 bằng cách tiêm chủng đầy đủ. CDC khuyến khích tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường cho những người đủ điều kiện" - tuyên bố ngày 27.11 của CDC Mỹ nêu rõ.
Siêu biến thể mới
Ngày 26.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định biến thể B.1.1.529 là "biến thể đáng lo ngại" và đặt tên là Omicron. WHO cho biết, biến thể mới có "một số lượng lớn các đột biến, một số đột biến đáng lo ngại". Theo WHO, bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron tăng lên so với các biến thể đáng lo ngại khác.
Dữ liệu về biến thể SARS-CoV-2 mới, B.1.1.529, được xác định ở phía nam của Châu Phi, được đưa lên cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID vào ngày 22.11.
WHO bày tỏ lo ngại trước các báo cáo từ Nam Phi về sự lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng đông dân cư, điều này có thể cho thấy khả năng lây truyền cao của chủng virus này. Một số quốc gia đã đình chỉ dịch vụ hàng không với Nam Phi và các quốc gia khác ở phía nam Châu Phi.