Tác dụng của liều vắc xin Covid-19 tăng cường kéo dài bao lâu

17/11/2021 | 1065 |
0 Đánh giá

Các nhà khoa học tin rằng mũi tiêm nhắc lại có tác dụng kéo dài phản ứng miễn dịch chống Covid-19 nhưng chưa có đủ dữ liệu để nhận định chi tiết.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới bắt đầu tiến hành tiêm liều vắc xin tăng cường cho người dân để phòng Covid-19.

Jessica Justman, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia (Mỹ), giải thích: “Một số người trong chúng ta cần mũi vắc xin tăng cường vì hai lý do. Thứ nhất là khả năng bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và trung bình của 2 liều vắc xin Covid-19 ban đầu dường như suy yếu dần theo thời gian, đặc biệt là ở những người lớn tuổi”.

“Lý do thứ hai là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn. Điều này đồng nghĩa tất cả mọi người, ngay cả những người đã được tiêm chủng, có nhiều khả năng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 hơn. Liều tăng cường giúp hệ miễn dịch của bạn phản ứng hiệu quả hơn”.

Liều nhắc lại sẽ được tiêm 6 tháng sau liều vắc xin Covid-19 thứ 2. Hiện vẫn chưa rõ chính xác sẽ phải tiêm bao mũi để đạt được hiệu quả tối ưu.

Tác dụng của liều vắc xin Covid-19 tăng cường kéo dài bao lâu

Ảnh minh họa: Ncoa

Hiệu quả của liều vắc xin thứ 3 kéo dài bao lâu

Nhà dịch tễ học Justman cho biết, có thể khoảng cách nhiều tháng giữa 2 liều vắc xin ban đầu và liều tăng cường sẽ giúp hệ miễn dịch duy trì phản ứng mạnh trong thời gian dài hơn. Nhưng các nhà khoa học cần thêm dữ liệu để có câu trả lời chắc chắn về điều đó.

“Lợi ích lâu dài của liều tăng cường là gì? Kéo dài bao lâu? Liệu chúng ta có cần tiêm tiếp liều khác một năm nữa kể từ bây giờ không? Chúng tôi không biết câu trả lời cho điều đó”, Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng Brown, chia sẻ.

Các bằng chứng gần đây ghi nhận khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 do vắc xin tạo ra bắt đầu suy yếu sau một vài tháng. Có cơ sở để hy vọng rằng liều tăng cường có thể tạo ra hiệu ứng lâu dài hơn.

“Về mặt miễn dịch học, có một số lý do để tin rằng khi bạn được tiêm nhắc lại 6 tháng sau lần tiêm thứ hai, vắc xin đó sẽ có độ bền cao hơn rất nhiều so với hai lần tiêm đầu tiên”, ông Jha nói.

“Nhưng, ngay bây giờ, chúng tôi không thể chứng minh điều đó. Chúng tôi không biết chắc chắn. Chúng tôi không có dữ liệu dài hạn”.

Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, nhấn mạnh, ngay cả khi không tiêm nhắc lại, vắc xin vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ.

“Các loại vắc xin có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc ngăn ngừa khả năng trở nặng, ngay cả với những người nhiễm biến thể Delta”, bà Gandhi nói.


Tin tức liên quan

Bình luận