Liệu có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng COVID-19?

24/05/2021 | 795 |
0 Đánh giá

Việc phát triển thành công vắc xin COVID-19 và triển khai tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia đã mang lại hy vọng cho thế giới trong việc sớm đẩy lùi được đại dịch này nhờ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch hiện nay, nhiều nhà khoa học nhận định, ý tưởng đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng COVID-19 khi có đủ số người được tiêm chủng vắc xin là khó có thể xảy ra.

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng trở lại

Đến nay, đã có 14 loại vắc xin được ít nhất một quốc gia cấp phép sử dụng, như BNT162b2 (Pfizer-BioNTech), mRNA-1273 (Moderna), AZD1222 (Oxford-AstraZeneca)… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 11/4/2021, gần 730 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng ở gần 160 quốc gia, trong đó có hơn 400 triệu người được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại sau khi đã từng giảm đáng kể vào tháng 2 vừa qua (hình 1). Phải chăng việc tiêm chủng vắc xin chưa đem lại hiệu quả thực sự trong việc đẩy lùi đại dịch?

Hình 1. Biểu đồ số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới (cập nhật ngày 12/4/2021)

Một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng lên bất chấp nỗ lực tiêm chủng vắc xin chính là do vi rút SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn. Có thể kể đến chủng B.1.1.7 được ghi nhận lần đầu tiên tại Anh vào tháng 9/2020, sau đó lan rộng sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khả năng lây nhiễm cao hơn 30-50% so với chủng ban đầu. Bên cạnh đó, chủng B.1.351 (Nam Phi) và P1 (Brazil) cũng là những biến thể SARS-CoV-2 lưu hành phổ biến hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là tại sao SARS-CoV-2 có thể tạo ra nhiều biến thể nhanh như vậy? Là một vi rút RNA, SARS-CoV-2 được đánh giá có tần suất đột biến ở mức vừa, thay đổi khoảng 1,12×10-3 nucleotide/vị trí/năm, tương tự như SARS-CoV-1. Tuy nhiên, khả năng dễ lây truyền của nó đã khiến số người bị nhiễm cao kỷ lục (hơn 135 triệu người tính đến ngày 12/4/2021). Đây là điều kiện thuận lợi để vi rút sản sinh với tốc độ kinh hoàng và tạo ra nhiều bản sao lỗi hơn trong thời gian ngắn hơn. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi chức năng của vi rút hoặc không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, “thỉnh thoảng” có một số thay đổi khiến vi rút có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc “lẩn trốn” hệ thống miễn dịch tốt hơn. Và khi sự thay đổi đó bắt đầu lan rộng trong cộng đồng thì một biến thể mới xuất hiện. Điều này có nghĩa là nếu số ca nhiễm giảm xuống, thì nhiều khả năng các biến thể mới sẽ ít xuất hiện hơn.

Miễn dịch cộng đồng khó có thể sớm đạt được

Mặc dù nhiều loại vắc xin đã được phát triển thành công và triển khai đại trà trên nhiều quốc gia, ý tưởng về miễn dịch cộng đồng và hy vọng về một tương lai thế giới trở lại bình thường dường như vẫn chưa thể sớm xảy ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thông qua tiêm chủng và/hoặc đã mắc bệnh này trước đó, nhờ vậy có thể phòng tránh bệnh lây nhiễm từ người sang người. Những đối tượng chưa hoặc không được tiêm phòng như trẻ sơ sinh, người mắc bệnh mạn tính cũng sẽ được bảo vệ vì khi đó bệnh này ít có cơ hội để lây truyền trong cộng đồng. Điều này có nghĩa là khi chúng ta tiêm vắc xin, chúng ta không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ những người xung quanh.

Tỷ lệ tiêm chủng để thiết lập được miễn dịch cộng đồng của các bệnh truyền nhiễm là khác nhau, dựa trên khả năng lan truyền của mầm bệnh và tác động của nó với sức khỏe con người. Chẳng hạn như, bệnh sởi rất dễ lây lan và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần khoảng 93-95% người trong cộng đồng được tiêm phòng để duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, bệnh bại liệt chỉ cần khoảng 80-85%. Đối với COVID-19, nhiều chuyên gia nhận định ngưỡng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi khoảng 70-85% dân số được tiêm đầy đủ hai liều vắc xin phòng ngừa bệnh này.

Thay lời kết

Theo các chuyên gia, với tốc độ tiêm chủng 6,7 triệu liều vắc xin một ngày, cả thế giới cần khoảng 4,5 năm mới có thể đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số quốc gia đơn lẻ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay như Israel, UAE, Anh, và Mỹ. Song song đó, các cơ quan quản lý và công ty dược phẩm cũng đã bắt tay vào nghiên cứu phiên bản cập nhật vắc xin nhằm gia tăng hiệu quả phòng ngừa với các biến chủng mới và có thể ra mắt trong vài tháng tới.

Trong khi miễn dịch cộng đồng chưa hình thành, các biến chủng mới liên tục xuất hiện và hiệu quả vắc xin chưa thật sự tối ưu, điều quan trọng là phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ, ngay cả đối với người đã được tiêm chủng. Như đã nêu, cách tốt nhất để ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện chính là ngừng hoàn toàn lan truyền vi rút. Bên cạnh tiêm phòng, nếu chúng ta ý thức trong việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc tụ tập đông người, chúng ta có thể kết thúc đại dịch sớm hơn nhiều.

CÔNG TY TNHH VẬT TƯ KHOA HỌC KỸ THUẬT HTV CHUYÊN CUNG CẤP KHẨU TRANG, BẢO HỘ PHÒNG DỊCH. VỚI MỤC TIÊU GÓP CHÚT SỨC LỰC NHỎ NHOI CỦA MÌNH VÀO CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG DỊCH CHUNG CỦA CẢ NƯỚC, HTV LUÔN CỐ GẮNG CUNG CẤP CHO THỊ TRƯỜNG NHỮNG SẢN PHẨM VỚI GIÁ CẢ TỐT NHẤT.


Tin tức liên quan

Bình luận