Nguyên lý hoạt động của máy đo SpO2
SpO2 khi ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc đo lường lượng oxy trong máu bệnh nhân vì nó quá tiện lợi, rẻ tiền, nhanh, chính xác và liên tục, không xâm lấn. Đây được mệnh danh là chỉ số sinh tồn thứ 5.
Tuy nhiên có rất ít tài liệu hướng dẫn chi tiết một cách đầy đủ về thiết bị này mặc dù nó được sử dụng hàng ngày.
Một khảo sát ở Anh trên 30 bác sĩ và 30 y tá trong một Bệnh viện vào năm 1994 cho thấy 97% bác sĩ và y tá không hiểu nguyên lý hoạt động của SpO2 và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả. Chính vì điều này mà những nghi án về SpO2 thường xảy ra hàng ngày trong phòng khám, bệnh viện.
SpO2 là độ bão hòa oxy tại máu mao mạch ngoại biên (Peripheral capillary oxygen saturation).
Hồng cầu là hệ thống xe tải chuyên chở oxy trong máu gồm nhiều phân tử hemoglobin gộp lại, mỗi hemoglobin có 4 nơi gắn kết với oxy, nên trong máu hồng cầu được chia làm 2 nhóm: có chở oxy và không có chở oxy.
Máy SpO2 dùng một đèn chiếu có 2 bước sóng 660nm (đỏ) và 940nm (cận tia hồng ngoại: near-IR) và một cảm biến (sensor) ở phía đối diện.
Tại sao lại dùng 2 bước sóng này, vì các bước sóng màu khác như xanh, lam, vàng, IR bị hấp thụ mạnh bởi các mô xung quanh, trong khi hai bước sóng này hấp thu tốt và khác nhau bởi 2 loại hồng cầu trong máu.
HC chở oxy hấp thu tốt 940nm, không hấp thu bước sóng đỏ, chính vì điều này làm cho máu động mạch (chứa nhiều oxy) có màu đỏ tươi trong khi máu tĩnh mạch có màu đỏ sậm. HC không chở oxy hấp thụ bước sóng đỏ tốt.
Máy SpO2 không đo nồng độ oxy trong máu tĩnh mạch và các mô xung quanh, mà nó đo sự thay đổi của các bước sóng trong máu động mạch khi tim co bóp và đẩy máu tới vùng được đo.
Sau khi đo xong, máy dùng thuật toán để tính tỷ lệ bước sóng đỏ (HC có oxy) trên bước sóng IR (HC không có oxy). Từ đó tính ra tỷ lệ R, sau đó lại so sánh tỷ lệ R này trên ngân hàng dữ liệu R của người khỏe mạnh, và ra con số % cuối cùng.
Ngân hàng dữ liệu này được thu thập trên người khỏe mạnh từ 70-100%, nên dưới 70%, kết quả không còn giá trị định lượng mà chỉ còn giá trị định tính (50% không có ý nghĩa là nặng hơn 60%, mà chỉ là nặng).
SpO2 bình thường từ 95-100%, nếu thấp hơn 92% là có chuyện.
Như vậy để đo được SpO2 chính xác, đáng tin cậy phải có các điều kiện sau:
- Không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp.
- Nơi đo phải có máu tưới tới nơi. Nếu ngón tay quá lạnh, mạch máu co lại phải làm ấm trước khi đo, khi bệnh nhân có sốc giảm thể tích, ngưng tim thì không còn chính xác nữa. Lúc này có thể đo ở nơi khác như dái tai, cánh mũi.
- Không cử động ngón tay đang được kẹp để đo. điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em. Đã có nghi án một cụ già bị bệnh rung cơ, đo Sp02 còn 50% nhịp tim 200, bác sĩ không biết tại sao, cuối cùng phát hiện ra nhịp tim này trùng với nhịp rung của ngón tay, và máy tính toán theo nhịp tim 200 ra độ bão hòa 50%.
- Người được đo nếu có các bệnh về HC như sickle cell crisis, methemoglobin, HbF, ngộ độc khí CO sẽ làm thay đổi SpO2.
Trên một máy SpO2 thường cho 3 thông tin, độ bão hòa oxy (%), nhịp mạch (BPM: beat per minute) và sóng động mạch (dạng vạch ngang hay dạng sóng).
Thông thường khi tín hiệu sóng động mạch phải đều và ổn định, trùng với nhịp tim thì kết quả SpO2 mới đáng tin cậy.
Hầu hết các máy đều cho các giá trị thấp nhất có thể đo, thường là 30-40%. Dưới 70% là chỉ có giá trị tham khảo.
Nguồn: Bs Hung Truong