Những điều cần biết về biến thể SARS-CoV-2 mới "tồi tệ nhất"
Biến thể B.1.1.529 phát hiện ở Nam Phi được giới khoa học xem là biến thể mới "tồi tệ nhất".
Biến thể mới là gì, tại sao đáng lo ngại?
Biến thể SARS-CoV-2 mới được các nhà khoa học phát hiện mang tên B.1.1.529. Giới khoa học đang nghiên cứu để tìm hiểu những tác động tiềm tàng của biến thể virus mới này. Có khoảng 50 ca nhiễm biến thể B.1.1.529 đã được xác nhận ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana.
B.1.1.529 có một cụm đột biến rất bất thường, đáng lo ngại vì có thể giúp virus né phản ứng miễn dịch của cơ thể và khiến virus dễ lây lan hơn, các nhà khoa học cảnh báo.
Bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 mới nào có thể né vaccine COVID-19 hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta hiện đang chiếm ưu thế đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể, The Guardian lưu ý.
Biến thể này được phát hiện ở đâu?
Các dấu hiệu ban đầu từ những phòng thí nghiệm chẩn đoán cho thấy biến thể B.1.1.529 đã tăng nhanh ở tỉnh Gauteng của Nam Phi và có thể đã có mặt ở 8 tỉnh khác của đất nước.
Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu vật là B.1.1.529 nhưng biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc). Đáng lưu ý trường hợp ở Hong Kong được phát hiện nhiễm biến thể mới là du khách đến từ Nam Phi. Các nhà khoa học tin rằng có tới 90% ca mới ở Gauteng có thể là B.1.1.529.
B.1.1.529 so với các biến thể khác?
Các nhà khoa học cấp cao mô tả B.1.1.529 là biến thể tồi tệ nhất mà họ từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Biến thể B.1.529 có 32 đột biến trong protein gai - phần của virus mà hầu hết các loại vaccine COVID-19 nhắm tới để thúc đẩy hệ thống miễn dịch cơ thể người nhằm ngăn chặn lây nhiễm.
Số đột biến mà B.1.1.529 có gấp đôi đột biến của biến thể Delta. Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lây lan của virus đồng thời cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 nhưng sau đó đã lan rộng khắp thế giới, dẫn tới tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong. Các biến thể SARS-CoV-2 khác như Alpha (có nguồn gốc từ Kent ở Anh), Beta (trước đây được gọi là biến thể Nam Phi) và Gamma (ban đầu được phát hiện ở Brazil). Gần đây, có thông tin rằng số ca COVID-19 ở Nhật Bản giảm có thể liên quan tới biến thể Delta tự diệt.
Biến thể mới tác động thế nào, nhất là khi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp bắt đầu?
Còn quá sớm để giải đáp về vấn đề này. Các nhà khoa học đang tích cực tìm hiểu thêm về biến thể mới. Vì biến thể B.1.1.529 chỉ mới xuất hiện gần đây nên các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng về khả năng lây lan hoặc né vaccine của virus. Trong bối cảnh còn một tháng nữa là đến Giáng sinh, sẽ có những lo ngại rằng biến thể B.1.1.529 có thể kích hoạt nhu cầu có thêm các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, cần vài tuần trước khi các nhà khoa học có thông tin đầy đủ về biến thể B.1.1.529 và mối đe dọa nghiêm trọng mà B.1.1.529 có thể gây ra cho thế giới.