Povidine (povidon iod): Thuốc sát khuẩn và những điều cần biết

10/11/2021 | 1637 |
0 Đánh giá

Thuốc Povidine (povidon iod) có công dụng sát khuẩn, dùng để sát trùng vết thương ở da hoặc khử trùng dụng cụ tùy nồng độ. Vậy thuốc Povidine (povidon iod) được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng?

1. Povidine (povidon iod) là thuốc gì?

Thuốc Povidine chứa hoạt chất là povidon iod. Povidon iod là một phức hợp hữu cơ chứa 9 – 12% iod. Dung dịch povidon-iod phóng thích dần dần và liên tục iod tự do, dùng làm chất sát khuẩn, tẩy rửa.

Povidine tác dụng diệt vi khuẩn gram dương và gram âm, đặc biệt với các loại gây nhiễm trùng da như Staphylococcus, Streptococcus, E.coli, Proteus, P. aeruginosa. Thuốc cũng diệt được vi nấm, siêu vi, đơn bào và nấm men.

Thuốc Povidine có các dạng bào chế và dạng trình bày như sau:

Dạng dung dịch với các loại nồng độ:

  • 4% (90ml, 500ml, 800ml)
  • 10% (8ml, 20ml, 90ml, 500ml, 2 lít, 5 lít)
  • 5%: loại sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh (8ml, 20ml); loại dùng cho mắt (20ml)

Dạng gạc đắp vết thương 10%: 7x7cm (1,5g thuốc), 10x10cm (3g thuốc)

2. Chỉ định thuốc Povidine (povidon iod)

Dung dịch nồng độ 4%:

  • Rửa và khử trùng da, niêm mạc lành hay vết thương nhiễm bẩn. 
  • Rửa và tẩy uế dụng cụ phẫu thuật trước khi khử trùng.

Dung dịch nồng độ 10%:

  • Sát trùng da trước khi phẫu thuật.
  • Khử trùng dụng cụ trước khi tiệt trùng.
 

Povidine (povidon iod) 10%

Povidine (povidon iod) 10%

Dung dịch nồng độ 5%:

  • Loại sát trùng cuốn rốn: sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh
  • Loại dùng cho mắt: sát trùng quanh mắt và kết mạc trước khi phẫu thuật mắt.

Gạc đắp vết thương 10%: thuốc sát trùng dùng cho các vết thương, vết bỏng nông và ít rộng, và điều trị một số bệnh về da.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Povidine (povidon iod)

3.1. Dung dịch nồng độ 4%

Dùng nguyên chất để rửa tay và khử trùng da, hoặc pha loãng 1/3 để:

  • Rửa vết thương nhiễm bẩn hoặc có rỉ nước.
  • Tẩy uế dụng cụ phẫu thuật trước khi khử trùng, rửa lại bằng nước sạch.

3.2. Dung dịch nồng độ 10%

Dùng nguyên chất để bôi lên da, hoặc pha loãng 1/5 với nước, hay dung dịch sinh lý (Nacl 0,9%) để tưới rửa vết thương.

 

Povidine (povidon iod)

3.3. Dung dịch nồng độ 5%

Loại dùng sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh:

  • Đặt trẻ sơ sinh nằm ngửa trên bề mặt vững chắc như trên giường.
  • Cởi áo trẻ sơ sinh để lộ vùng rốn.
  • Nhúng bông hút nước vô trùng hay tăm bông vô trùng vào Povidine 5% và xoa nhẹ cho Povidine 5% thấm vào tất cả phần của cuống rốn.
  • Có thể dùng vài lần bông hút nước vô trùng hay tăm bông vô trùng tẩm Povidine 5% để hoàn tất việc sát trùng này.
  • Cuống rốn trẻ giờ đã sạch. Mặc áo lại cho trẻ và loại bỏ bông đã dùng sát trùng.
  • Bồi lên vết thương 2 – 3 lần/ ngày.

Loại dùng cho mắt:

Dùng trong phẫu thuật nhãn khoa, sát khuẩn vùng da quanh mắt, kết mạc và túi cùng kết mạc trong nhãn khoa.

  • Bôi lên da vùng quanh mắt.
  • Tưới lên kết mạc và túi cùng kết mạc bằng bơm tiêm không có kim.
  • Để tiếp xúc 2 phút.
  • Rửa lại nhiều lần bằng bơm tiêm với dung dịch Natri clorid 0.9% cho đến khi mất màu Povidine.

3.4. Gạc đắp vết thương 10%

  • Mở gói bọc bên ngoài.
  • Đắp miếng gạc tẩm thuốc lên vết thương, gỡ bỏ lớp nylon.
  • Che thêm bằng miếng gạc mỏng hoặc bông hút nước, băng lại.
  • Đắp vết thương 1 lần/ ngày hoặc 1 lần/ 2 ngày.
  • Gạc Povidine tạo ra một lớp thuốc mổ tan trong nước phủ lên vết thương, có thể dùng nước sạch để rửa trôi hết lớp thuốc mỡ này.
 

Povidine (povidon iod) đắp vết thương

Povidine (povidon iod) đắp vết thương

4. Chống chỉ định của thuốc Povidine (povidon iod)

Dung dịch nồng độ 4% và 10%, gạc đắp 10% chống chỉ định với:

  • Dị ứng với iod.
  • Dùng thường xuyên ở người bệnh có rối loạn tuyến giáp (đặc biệt bướu giáp nhân coloid, bướu giáp lưu hành và viêm tuyển giáp Hashimoto), thời kì mang thai và cho con bú.
  • Thủng màng nhĩ hoặc bôi trực tiếp lên màng não và khoang bị tổn thương nặng.
    Trẻ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ đẻ thiếu tháng, trẻ sơ sinh, trẻ đẻ ra có cân nặng dưới 1,5 kg (vì có thể gây nhược giáp).

Dung dịch dùng sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh 5% không được dùng khi dị ứng với iod.

Dung dịch dùng cho mắt 5% chống chỉ định khi:

  • Dị ứng với iod.
  • Trẻ sơ sinh (0-1 tháng).
  • Tiêm thuốc vào nội nhãn.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Povidine (povidon iod)

  • Dung dịch nồng độ 4%, nồng độ 10%, dạng gạc đắp vết thương 10%: cần thận trọng khi dùng thường xuyên trên vết thương đối với người có tiền sử suy thận hay người đang điều trị bằng lithi.
  • Dung dịch sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh 5%: tránh dùng thuốc trên vùng da rộng và lập lại nhiều lần. Tránh dùng thuốc vào mắt.
  • Dung dịch dùng cho mắt 5%: Povidine 5% chỉ dành riêng để sát trùng bề mặt kết mạc. Sử dụng thận trọng đối với trẻ em dưới 30 tháng tuổi. Không nên dùng thay thuốc nhỏ mắt.
 

Povidine (povidon iod) 5%

Povidine (povidon iod) 5%

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc Povidine (povidon iod)

Đối với dung dịch nồng độ 4% và 10%, gạc đắp vết thương 10%:

  • Dùng các chế phẩm này lâu ngày có thể gây kích ứng hoặc hiếm hơn gây phần ứng dị ứng da
  • Dùng lặp lại với vết thương rộng hoặc vết bỏng nặng, có thể gây phản ứng toàn thân.

Đối với dung dịch sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh 5%: dùng chế phẩm lâu ngày có thể gây kích ứng hoặc hiếm hơn gây phản ứng dị ứng da.

Đối với dung dịch dùng cho mắt 5%:

  • Dị ứng vói iod.
  • Nhuộm vàng vùng kết mạc mắt.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

7. Tương tác thuốc khi dùng Povidine (povidon iod)

Đối với dung dịch nồng độ 10% và gạc đắp vết thương 10%:

  • Tác dụng kháng khuẩn bị giảm khi có kiềm và protein. Xà phòng không làm mất tác dụng.
  • Dùng chung với các hợp chất thuỷ ngân có thể gây ăn da.
  • Thuốc bị mất tác dụng với natri thiosuifat, ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao, và các thuốc sát khuẩn khác.
  • Có thể cản trở test thăm dò chức năng tuyến giáp.

Đối với dung dịch nồng độ 4% và dung dịch sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh 5%: không dùng chung với chất tẩy rửa khác. Dùng cùng với những dẫn chất có chứa thủy ngân có thể tạo thành hợp chất có tính ăn mòn da.

Đối với dung dịch dùng cho mắt 5%: không dùng đồng thời với thuốc nhãn khoa có chứa chất bảo quản là hợp chất thuỷ ngân.

8. Xử trí khi quá liều Povidine (povidon iod)

  • Lượng iod quá thừa sẽ gây bướu giáp, nhược giáp hoặc cường giáp.
  • Dùng chế phẩm nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng hoặc bỏng sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn, như vị kim loại; tăng tiết nước bọt, đau rát họng và miệng; mắt bị kich ứng, sưng; đau dạ dày, tiêu chây, khó thở do phù phổi…
  • Có thể nhiễm acid chuyển hoá, tăng natri huyết và tổn thương thận.

Xử trí: Trong trường hợp uống nhầm một lượng lớn povidon iod, có thể bị ngộ độc nghiêm trọng, phải điều trị tại cơ sở y tế. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ, chú ý đặc biệt đến cân bằng điện giải, chức năng thận và tuyến giáp.

9. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

Đối với dung dịch nồng độ 4% và 10%, gạc đắp vết thương 10%:

Mặc dù chưa có bằng chứng về nguy hại nhưng iod qua được hàng rào nhau thai và bài tiết qua sữa. Tránh dùng thuốc trong thời gian mang thai và cho con bú trừ khi lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ gây hại cho sự phát triển và chức năng của tuyến giáp thai nhi.

Đối với dung dịch sát trùng cuốn rốn trẻ sơ sinh 5%: không có nguy hại

 

Povidine (povidon iod) 5% cho trẻ em

Povidine (povidon iod) 5% cho trẻ em

Đối với dung dịch dùng cho mắt 5%: không sử dụng 6 tháng cuối của thời kỳ mang thai hoặc phụ nữ có thai.

10. Cách bảo quản thuốc Povidine (povidon iod)

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ không quá 30 độ C. Đóng nắp ngay sau khi dùng và chỉ dùng trong 15 ngày sau khi mở nắp đối với chế phẩm thuốc dùng cho mắt, và 2 tháng sau khi mở nắp đối với các chế phẩm dung dịch còn lại.


Tin tức liên quan

Bình luận