Cách ly F0 đúng cách tại nhà
Uống nước chanh, gừng, sả thay thế cho nước lọc, tự sử dụng thuốc, phơi nắng quá lâu, súc họng bằng nước muối nóng đậm… là những sai lầm thường gặp đối với F0 khi tự chăm sóc tại nhà
Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết việc súc họng bằng nước muối nóng đậm nhiều lần trong ngày có thể khiến niêm mạc bị tổn thương.
Hiểu sai phương pháp điều trị
BS Phạm Lê Duy, giảng viên Bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh miễn dịch của Khoa Y - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết có bệnh nhân F0 cách ly tại nhà đã uống quá nhiều nước gừng, chanh, sả trong ngày, thậm chí uống thay thế luôn cho nước lọc. Có không ít trường hợp phải nhập viện vì viêm dạ dày, loét bao tử. Các loại nước này có tác dụng làm dịu cổ họng, có thể xem như một liệu pháp để trị ho, đau họng nhưng cũng chỉ nên uống với lượng vừa đủ trong ngày.
Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà .(Ảnh: HUẾ XUÂN)
Một số người bệnh còn lạm dụng việc súc họng với nước nóng pha muối đậm, phơi nắng thời gian dài. Chỉ nên súc nước ấm để làm họng dễ chịu, nước quá nóng sẽ có nguy cơ làm bỏng cổ họng. Việc phơi nắng là giúp cơ thể tăng được lượng vitamin D, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Không phải phơi nắng là để giết chết virus, vì virus gây bệnh là ở trong phổi, không phải ở ngoài da. Người bệnh có thể phơi nắng một ngày khoảng 10 đến 15 phút là đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, có thể thay thế việc phơi nắng bằng cách uống bổ sung vitamin D.
"Nếu dùng nước muối thì nên sử dụng nước muối sinh lý bán ở hiệu thuốc sẽ tốt hơn. Trong trường hợp không thể mua được nước muối sinh lý thì có thể pha một ca nước ấm với một ít muối. Khi muối đi vào họng, là môi trường áp suất thẩm thấu cao nó sẽ hút nước từ trong tế bào niêm mạc ra, nếu lượng muối đậm sẽ làm khô niêm mạc, dễ dẫn đến tổn thương" - BS Tiến giải thích.
BS Phạm Lê Duy cho biết việc tự sử dụng thuốc không đúng thời điểm cũng cần phải được lưu ý. Có bệnh nhân đã mua thuốc corticosteroid (dexamethasone, methylprednisolone…), thuốc kháng đông để tự điều trị nhưng đã uống thuốc không đúng thời điểm, sử dụng thuốc ngay khi mới có kết quả xét nghiệm dương tính và vẫn chưa có triệu chứng gì.
"Giai đoạn đầu mắc Covid-19 hệ miễn dịch sẽ kháng lại virus để nó không nhân lên và có thể giúp tiêu diệt luôn virus, nhưng nếu uống thuốc corticosteroid (thuốc ức chế miễn dịch) ở giai đoạn này thì hệ miễn dịch không làm việc được, khi đó virus sẽ có cơ hội nhân lên nhiều hơn. Điều này rất nguy hiểm, có thể làm bệnh diễn tiến nặng hơn" - BS Duy cảnh báo.
Hỗ trợ điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động
Để thiết thực hỗ trợ các trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà từ ngày 23-8, TP HCM đã được Học viện Quân y tăng cường 1.400 nhân sự quân y. Lực lượng này được phân bổ đến các trạm y tế lưu động ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức.
Thiếu tá Vũ Tiến Vũ cùng 2 học viên là Trần Đức Nghĩa và Vũ Minh Nghĩa thuộc Học viện Quân y, đã có mặt tại Trạm Y tế lưu động số 1 (phường 6, quận Tân Bình) từ chiều 22-8. Ngay khi đến nơi, thiếu tá Vũ cùng 2 học viên đã chuẩn bị trang thiết bị gồm: thuốc, đồ bảo hộ, khẩu trang, máy đo nồng độ ôxy máu mao mạch... lên đường thăm khám cho các F0 điều trị tại nhà trên địa bàn phường 6.
Vì chưa quen đường sá, nhóm quân y cơ động phải nhờ đến sự hỗ trợ, dẫn đường của đội dân quân tự vệ. Khi tiếp xúc với F0, thiếu tá Vũ lập tức trấn an tinh thần họ, giúp F0 ổn định tâm lý và căn dặn những điều cần thực hiện khi điều trị tại nhà. Nếu chưa có biểu hiện hoặc có triệu chứng nhẹ thì nên thường xuyên vận động, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, mở tất cả cửa để nhà thông thoáng để giúp bệnh mau thuyên giảm.
"Khi tiếp nhận nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động, chúng tôi phải sẵn sàng đi đến từng nhà F0 để thăm khám và tư vấn cho họ khi có nhu cầu. Ở đây không chỉ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân F0 mà còn tư vấn cho các bệnh nhân mắc những bệnh thông thường" - thiếu tá Vũ cho biết.
Theo đại tá Nguyễn Anh Tuấn, nhóm trưởng nhóm công tác phía Nam - Học viện Quân y, lực lượng quân y tăng cường cho TP HCM đợt này gồm sinh viên và giảng viên của trường. Chia thành các tổ quân y cơ động, làm việc tại các trạm y tế lưu động của quận, huyện và TP Thủ Đức, nơi có quản lý F0 tại nhà. Tổng cộng hơn 400 tổ, mỗi tổ từ 3-5 quân y tùy địa bàn, trong đó có ít nhất là một bác sĩ và điều dưỡng cùng sinh viên.
-Nguồn: Báo Người lao động-