Thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Tối đa 10 ngày sau khi nhận đề nghị của lao động và danh sách từ doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội chuyển tiền hỗ trợ qua ngân hàng hoặc trực tiếp tới người thụ hưởng.
Ngày 30/9, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Dự kiến 12,8 triệu lao động tham gia Quỹ này tại thời điểm 30/9 được hỗ trợ, tổng kinh phí 30.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 10 triệu lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và 2,5 triệu người đã chấm dứt hợp đồng đang bảo lưu thời gian đóng.
Ngoài ra, khoảng 380.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 8.000 tỷ đồng.
Người lao động hưởng từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9 và chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ lập danh sách người được hỗ trợ, chuyển cho chủ doanh nghiệp để xác nhận thông tin. Chậm nhất đến ngày 20/10, toàn ngành bảo hiểm phải gửi xong danh sách đến tất cả doanh nghiệp, đơn vị. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, công khai danh sách lao động được hỗ trợ trên website.
Trong vòng 5 ngày, chủ doanh nghiệp công khai danh sách người được hỗ trợ để lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin, thống kê người không nhận, rồi chuyển lại cho Bảo hiểm xã hội. Danh sách này bao gồm họ tên, mã số bảo hiểm xã hội, chứng minh thư hoặc căn cước, số tài khoản ngân hàng của người lao động.
Trường hợp thông tin người lao động thiếu hoặc chưa đúng, doanh nghiệp lập danh sách riêng, gửi kèm hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh, gửi lại cơ quan Bảo hiểm xã hội, chậm nhất ngày 10/11.
Với lao động chấm dứt hợp đồng sau ngày 30/9, chưa được hưởng hỗ trợ hoặc người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại nơi không có người đại diện pháp luật thì có thể tự làm đơn theo mẫu, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để được hỗ trợ. Mẫu đơn đề nghị gồm thông tin cơ bản, mã số bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng, nêu rõ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được nhận trợ cấp. Người lao động có thể chọn nhận tiền mặt tại Bảo hiểm xã hội hoặc qua tài khoản ngân hàng.
Nhận được danh sách người lao động từ phía doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội phải xét duyệt và chi trả tiền hỗ trợ. Thời gian giải quyết 10 ngày với danh sách lao động đúng, đủ thông tin và 20 ngày với danh sách phải điều chỉnh thông tin.
Với 2,5 triệu lao động đã chấm dứt hợp đồng và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, có thể làm đơn đề nghị (theo mẫu) gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện nơi người đó muốn nhận tiền, chậm nhất đến ngày 31/12 để được hỗ trợ. Trong vòng 10 ngày từ lúc nhận được đề nghị, Bảo hiểm xã hội xác nhận và chuyển tiền hỗ trợ.
Người lao động có thể nhận tiền mặt trực tiếp hoặc qua tài khoản ngân hàng. Nếu không chi trả hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lao động, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ, danh sách qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của cơ quan Bảo hiểm xã hội, các tổ chức cung cấp dịch vụ I- VAN; qua bưu điện; ứng dụng VssID hoặc đến trực tiếp tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến khích người lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo chính xác, hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Với 380.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu có sẵn, in đối chiếu thanh toán số phải thu nộp để tự động trừ.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm được giảm đóng, thì cơ sở đó tự gửi một bản sao có xác nhận của cấp thẩm quyền về việc được phân loại tự chủ tài chính, rồi gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng hỗ trợ.
Theo quy định, việc giải ngân 30.000 tỷ tiền mặt cho 12,8 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ hoàn thành trước 31/12. Hơn 8.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng vào quỹ hoàn thành cuối tháng 9/2022.
Cùng ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng thông tin trong hệ thống, nguồn lực và cả kinh phí để giải ngân từ 1/10. Vào ngày 25 hằng tháng, cơ quan này sẽ gửi kết quả hỗ trợ lao động, doanh nghiệp về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Để tiền hỗ trợ nhanh đến tay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người lao động chuẩn bị sẵn thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chưa được hưởng trợ cấp, để đối chiếu với dữ liệu của đơn vị này, nhằm xác định mức hưởng.
Người lao động có thể tra cứu bằng nhiều hình thức: Sổ bảo hiểm xã hội, VssID, Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhắn tin đến Tổng đài 8079 (cú pháp BH QT mã số BHXH gửi 8079; hoặc gọi Tổng đài 19009068). Người nhận hỗ trợ cũng nên chuẩn bị số tài khoản ngân hàng chính chủ, cung cấp số điện thoại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để tiện liên hệ, giải đáp thông tin.
Gói an sinh 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp này không áp dụng cho người đang hưởng lương hưu hằng tháng; người tự nguyện không nhận hỗ trợ. Chính sách cũng không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập cho ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và người lao động làm việc trong các đơn vị, cơ quan này. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê khoảng 2 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị này không được hưởng hỗ trợ.
Ngày 24/9, Thường vụ Quốc hội quyết định ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cùng ngày, Chính phủ ban hành nghị quyết quy định cụ thể các nhóm lao động, doanh nghiệp được hỗ trợ, bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng. Thống kê đến hết năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 89.100 tỷ đồng.