SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG HỘ CÁ NHÂN KHI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH NHIỄM HOẶC NGHI NGỜ NHIỄM COVID-19

15/05/2021 | 1143 |
0 Đánh giá

Phương tiện PHCN là phương tiện thiết yếu để bảo vệ NVYT trước nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch tiết và giọt hô hấp mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc gần với NB. Phương tiện PHCN cũng được sử dụng để bảo vệ NB không bị nhiễm các vi sinh vật thường trú và vãng lai từ NVYT và môi trường trong bệnh viện. Việc mang phương tiện PHCN khi chăm sóc người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm cho NVYT.

1. Mục đích

Ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ NB sang NVYT, NB khác, khách thăm và phát tán ra môi trường xung quanh NB và cộng đồng.

2. Phạm vi áp dụng

Tất cả NVYT, người nhà NB, khách thăm, những người có tiếp xúc với người hoặc mẫu bệnh phẩm từ người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19

3. Nguyên tắc thực hiện

3.1. Nguyên tắc chung

- Sử dụng các phương tiện PHCN theo khuyến cáo của phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền phù hợp với tình huống trong chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19.

- Đảm bảo luôn sẵn có cơ số phương tiện PHCN tại các khu vực cách ly, buồng đệm của phòng cách ly, phòng XN, khu vực xử lý rác thải, xử lý thi hài.

- Phương tiện PHCN chỉ hiệu quả khi được áp dụng cùng với những biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn khác như tổ chức quy trình sàng lọc, cách ly, vệ sinh môi trường bề mặt, quản lý chất thải.

- Cần tuân thủ đúng chỉ định và quy trình mặc và thao bỏ phương tiện PHCN.

3.2. Nguyên tắc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

1. Luôn mang phương tiện PHCN khi tiếp xúc, thăm khám, chăm sóc cho người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19.

2. Thực hành mặc vào và tháo bỏ phương tiện PHCN phải được thực hiện thuần thục trước khi chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 và phải được giám sát bởi thành viên đã được đào tạo.

3. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện PHCN phù hợp với tình huống sắp thực hiện.

4. Mặc và tháo bỏ phương tiện PHCN trong buồng đệm trước khi vào và sau khi ra khỏi buồng cách ly. Tránh tiếp xúc hoặc điều chỉnh phương tiện PHCN trong buồng cách ly.

5. Phải đảm bảo phương tiện PHCN phủ kín toàn bộ cơ thể.

6. Thay găng khi chuyển từ NB này sang chăm sóc NB khác, thay găng nếu bị rách, VST trước khi mang găng mới.

7. Khi tháo phương tiện PHCN cần chú ý các nguyên tắc sau:

-  Mặt ngoài phương tiện PHCN có mức độ nguy cơ nhiễm bẩn cao, khi tháo phải cuộn mặt ngoài vào trong, không được giũ phương tiện PHCN khi tháo.

-  Mặt trước của phương tiện PHCN có nguy cơ lây nhiễm cao hơn mặt sau. Tránh đụng chạm tay vào mặt trước của phương tiện PHCN.

8. Phương tiện PHCN chỉ dùng một lần, là chất thải lây nhiễm, sau khi tháo phải bỏ ngay vào thùng chất thải lây nhiễm (thùng màu vàng). Thùng đựng chất thải phải đủ lớn và phải có nắp đậy tự động.

4. Các loại phương tiện phòng hộ cá nhân

4.1. Loại phương tiện phòng hộ cá nhân

Trên thực tế hiện nay có nhiều kiểu loại phương tiện PHCN, có thể xếp vào 2 loại sau:

Loại thứ nhất: Loại quần, áo choàng và mũ trùm đầu riêng biệt:

-       Áo choàng chống thấm hoặc áo choàng có kèm tấm choàng chống thấm.

-       Quần chống thấm.

-       Tạp dề chống thấm.

-       Khẩu trang y tế.

-       Khẩu trang hiệu lực lọc cao (ví dụ N95).

-       Kính bảo hộ hoặc tấm che mặt.

-       Găng tay y tế.

-       Mũ chụp tóc (loại trùm kín đầu và cổ).

-       Bao giầy loại ống cao.

-       Ủng cao su.

Loại 2: Loại quần liền, áo choàng và mũ trùm đầu:

-       Bộ quần, áo choàng, mũ.

-       Bao giầy loại ống cao.

-       Tạp dề chống thấm.

-       Khẩu trang y tế.

-       Khẩu trang N95.

-       Kính bảo hộ hoặc tấm che mặt.

-       Găng tay y tế.

-       Găng cao su.

-       Bao giầy chống thấm loại ống cao.

-       Ủng cao su.

4.2. Một số tiêu chí kỹ thuật

-       Kính bảo hộ và tấm che mặt phải bó sát vào khuôn mặt và ngăn chặn không để dịch thấm vào (Hình 3 và Hình 4).

-       Khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn, không thấm nước, có thanh kim loại giúp uốn khít sống mũi, ngăn chặn không khí, dịch bắn đi qua.

-       Khẩu trang có hiệu lực lọc cao (ví dụ khẩu trang đạt tiêu chuẩn N95 hoặc FFP2 hoặc tương đương).

-       Găng tay: Khuyến cáo dùng găng làm bằng chất liệu nitrile hơn chất liệu latex, với kích thước phù hợp với tay của người sử dụng.

-       Áo choàng có chiều dài đến giữa đùi, tay dài và cổ tay bo và tạp dề phải bằng chất liệu không thấm máu và dịch.

-       Ủng cao su không thủng rách, kích cỡ phù hợp với chân của người sử dụng.

-       Bao giầy cao đến gần gối, bằng chất liệu không thấm nước và, chống trượt.

-       Mũ che đầu và cổ, có chỗ mở phía trước để tháo ra sau.

-       Bộ quần áo mặc bên trong trước khi mang trang PHCN.

5. Quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân

5.1. Mang và tháo khẩu trang

5.1.1. Khẩu trang y tế:

* Kỹ thuật mang khẩu trang:

- Vệ sinh tay.

- Mở bao gói, lấy khẩu trang ra khỏi bao, một tay cầm vào 1 cạnh bên .

- Đặt khẩu trang lên mặt, mặt chống thấm (màu xanh) quay ra ngoài, mặt thấm hút (màu trắng) quay vào trong. 1 tay giữ mặt trước khẩu trang cố định trên mặt, 1 tay luồn 1 bên dây đeo qua tai sau đó làm ngược lại với bên kia.

- Dùng ngón 2 đầu ngón tay trỏ ấn chỉnh thanh kim loại trên mũi sao cho ôm sát sống mũi và mặt.

- 2 ngón tay cầm mép dưới của khẩu trang kéo nhẹ xuống dưới, đưa vào trong để khẩu trang bám sát vào mặt dưới cằm.

* Kỹ thuật tháo khẩu trang:

- Tháo dây đeo khẩu trang, tay không chạm vào khẩu trang, loại bỏ khẩu trang vào thùng thu gom chất thải theo đúng quy định.

- Vệ sinh tay.

5.1.2. Khẩu trang có hiệu lực lọc cao (ví dụ khẩu trang N95)

* Kỹ thuật mang khẩu trang:

- Vệ sinh tay.

- Mở bao gói, đặt khẩu trang vào lòng bàn tay, cạnh có kim loại ôm vào sống mũi, hướng ra trước, để dây đeo thả tự do dưới bàn tay.

- Đặt khẩu trang phía dưới cằm, phần che mũi hướng lên trên.

- Kéo dây trên qua đầu và đặt vào vùng chẩm, dây trên tai. Kéo dây dưới qua đầu và đặt vào sau gáy, dưới tai. Lưu ý không để hai dây bắt chéo nhau ở sau đầu.

- Kiểm tra và chỉnh lại dây đeo nếu bị xoắn, vặn.

- Đặt đầu ngón tay trỏ của 2 tay tại đỉnh sống mũi, ấn chỉnh phần che mũi sao cho khẩu trang ôm khít mũi.

- Kiểm tra độ kín của khẩu trang:

+ Thử nghiệm hít vào (âm tính): thở ra từ từ, nếu khẩu trang kín, áp lực âm làm cho khẩu trang bám sát vào khuôn mặt. Nếu khẩu trang không kín, không khí sẽ qua lỗ hở đi vào khẩu trang, cần điều chỉnh lại độ căng của dây đeo và làm lại thử nghiệm hít vào.

+ Thử nghiệm thở ra (dương tính): thở ra mạnh, nếu khẩu trang kín, áp lực dương tạo luồng không khí bên trong khẩu trang. Nếu khẩu trang không kín, cần điều chỉnh lại độ căng của dây đeo và làm lại thử nghiệm thở ra.

* Kỹ thuật tháo khẩu trang:

- Tháo dây dưới bằng cách cầm vào phần dây sau đầu, sau đó tháo dây trên qua đầu, không để tay chạm vào khẩu trang khi tháo.

- Vệ sinh tay.

5.1.3. Những lưu ý khi mang và tháo khẩu trang

- Đeo khẩu trang đúng chiều trên, dưới.

- Đeo khẩu trang đúng mặt trong, ngoài.

- Không chạm tay vào mặt trong khẩu trang khi đeo.

- Đặt khẩu trang cẩn thận để che kín miệng và mũi.

- Chỉnh gọng mũi và dây đeo để đảm bảo khẩu trang ôm sát sống mũi và khuôn mặt.

- Tay không chạm vào mặt trước khẩu trang khi loại bỏ khẩu trang.

- Sau khi loại bỏ hoặc bất cứ khi nào vô tình chạm vào khẩu trang đã sử dụng, cần làm sạch tay bằng dung dịch VST có chứa cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước.

- Thay khẩu trang sau mỗi khi thực hiện thủ thuật sạch/vô khuẩn, ngay khi thấy khẩu trang bị nhiễm bẩn hoặc bị ẩm/ướt hoặc sau mỗi ca làm việc.

- Không sử dụng lại khẩu trang đã qua sử dụng.

5.2. Trình tự mang phương tiện phòng hộ cá nhân

Bước 1: Vệ sinh tay.

Bước 2: Đi bốt/bao giầy.

Bước 3: Mặc quần và áo choàng (mang tạp dề nếu có chỉ định).

Bước 4: Mang khẩu trang.

Bước 5: Mang kính bảo hộ (đối với loại có gọng cài tai).

Bước 6: Đội mũ trùm kín tóc, đầu, tai, dây đeo khẩu trang.

Bước 7: Mang tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (nếu là loại dây đeo ngoài mũ).

Bước 8: Mang găng sạch.

5.3. Trình tự tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân

5.3.1. Loại quần, áo choàng và mũ trùm đầu rời

Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải. Nếu có mang tạp dề, tháo tạp dề, cởi dây dưới trước, dây trên sau, cuộn ngược mặt trong của tạp dề ra ngoài, bỏ vào thùng chất thải.

Bước 2: Vệ sinh tay.

Bước 3: Tháo bỏ áo choàng, cuộn mặt trong của áo choàng ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.

Bước 4: Vệ sinh tay.

Bước 5: Tháo bỏ quần và ủng hoặc bao giầy cùng lúc, lộn mặt trong của quần ra ngoài, bỏ vào thùng chất thải. Nếu mang ủng, đặt ủng vào thùng có dung dịch khử khuẩn.

Bước 6: Vệ sinh tay.

Bước 7: Tháo kính bảo hộ hoặc tấm che mặt.

Bước 8: Vệ sinh tay.

Bước 9: Tháo bỏ mũ trùm bằng cách luồn tay vào mặt trong mũ.

Bước 10: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).

Bước 11: Vệ sinh tay.

5.3.2. Loại bộ phòng hộ quần liền áo và mũ

Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải. Nếu có mang tạp dề, tháo tạp dề, cởi dây dưới trước, dây trên sau, cuộn ngược mặt trong của tạp dề ra ngoài, bỏ vào thùng chất thải;

Bước 2: Vệ sinh tay.

Bước 3: Tháo kính bảo hộ hoặc tấm che mặt.

Bước 4: Vệ sinh tay.

Bước 5: Tháo bỏ mũ, áo, quần. Khi tháo để mặt trong của trang phục lộn ra ngoài và loại bỏ vào thùng gom chất thải.

Bước 6: Vệ sinh tay.

Bước 7: Tháo ủng hoặc bao giầy, lộn mặt trong ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải. Nếu mang ủng, đặt ủng vào thùng có dung dịch khử khuẩn.

Bước 8: Vệ sinh tay.

Bước 19: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).

Bước 10: Vệ sinh tay.

Chú ý: Tháo bỏ trang phục PHCN tại buồng đệm của khu, phòng cách ly.

6. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

-       Khoa KSNK và phòng Điều dưỡng: chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, huấn luyện việc sử dụng phương tiện PHCN của NVYT.

-       Nội dung giám sát:

+      Luôn có sẵn phương tiện PHCN tại buồng đệm của khu, phòng cách ly.

+      Nhân viên y tế sử dụng đủ và đúng phương tiện PHCN cần thiết.

+      Phân loại, thu gom, xử lý phương tiện PHCN đã qua sử dụng.

-       Phương pháp giám sát: bằng quan sát trực tiếp và ghi phiếu giám sát.

 

(Tham khảo tài liệu HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO VI RÚT CORONA 2019 (COVID-19) TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

THẠC SĨ BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II CHÂU VĂN TUẤN

Nếu bạn đang quan tâm đến đồ bảo hộ/ đồ phòng dịch hãy liên hệ chúng tôi qua số 0901110413 hoặc 0362688220 để được tư vấn

CÔNG TY TNHH VẬT TƯ KHOA HỌC KỸ THUẬT HTV - NƠI CUNG CẤP

GIẢI PHÁP THÍ NGHIỆM HÀNG ĐẦU. 

Địa chỉ: 1122/26 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM

Email: sales@htvsci.com


Tin tức liên quan

Bình luận