TP.HCM thay đổi chiến lược xét nghiệm, đẩy mạnh trạm y tế lưu động
Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM sẽ không xét nghiệm định kỳ quy mô toàn dân. Khi lực lượng quân y rút dần, trạm y tế lưu động được đẩy mạnh nhằm duy trì để chăm sóc F0 tại nhà.
Dừng xét nghiệm định kỳ toàn dân
Theo hướng dẫn tạm thời thực hiện xét nghiệm Covid-19 của Sở Y tế, TP.HCM sẽ không xét nghiệm định kỳ với quy mô toàn dân trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc cả quận, huyện.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, các địa phương thực hiện xét nghiệm giám sát đối với các khu vực nguy cơ, nhóm nguy cơ trên địa bàn dân cư theo kế hoạch giám sát định kỳ, ngẫu nhiên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Khu vực nguy cơ gồm: Chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội... Nhóm nguy cơ gồm có tiểu thương, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ, người lái xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng (shipper)...
Các đối tượng trên được cho xét nghiệm định kỳ hằng tháng bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10. Tỉ lệ lấy mẫu xét nghiệm tương ứng theo cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn. Cụ thể, 10% đối tượng ở địa phương cấp độ 1, 20% đối với địa phương cấp độ 2 và cấp độ 3 là 30%.
Thông tin với báo chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ tiến hành xét nghiệm theo quy mô mẫu. Cụ thể, sẽ xét nghiệm 4 người/1.000 dân. Nếu dựa trên dân số khoảng 10 triệu người thì mỗi ngày xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu. Từ đó, TP sẽ đánh giá chính xác về sự tăng giảm của dịch bệnh và cảnh báo thực tiễn hơn.
Bên cạnh đó, với các khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Y tế cũng đã yêu cầu cần xây dựng khu cách ly riêng. Tuy nhiên, hiện chỉ có Khu công nghệ cao TP.HCM có khu vực cách ly cho F0 không triệu chứng. Người lao động tại các khu công nghiệp khác khi mắc bệnh đều phải chuyển về địa phương quản lý, chăm sóc, ít nhiều gây áp lực cho cơ sở.
Để tăng cường năng lực cho y tế địa phương, Sở Y tế vừa có tờ trình, đề xuất UBND TP về việc cho 750 y bác sĩ mới ra trường về thực hành chuyên môn tại các Trung tâm y tế và Trạm y tế. Đề xuất này được đưa ra sau khi dịch Covid-19 bùng phát, bộc lộ các điểm của y tế cơ sở, đặc biệt là nhân lực.
Bên cạnh đó, các tổ phản ứng nhanh do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM sẽ điều tra và xác định nguyên nhân các ca nhiễm tăng cao của từng địa phương. Từ đó, thực hiện quy trình xử lý F0 trong cộng đồng mới nhất của Sở Y tế.
Bác sĩ địa phương là nòng cốt cho trạm lưu động
Quận 7 là địa phương đầu tiên tại TP.HCM lập trạm y tế lưu động ngay tại cơ sở y tế tư nhân. Ngày 1/11, 8 trạm y tế lưu động ở các phòng khám đa khoa của quận 7 đã ra mắt. Dự kiến đến cuối năm sẽ là 19 trạm.
Đây là giải pháp thích ứng khi lực lượng quân y – chủ lực của trạm y tế lưu động đang rút dần khỏi TP.HCM.
Còn tại phường 12, quận 10, trạm lưu động được tăng cường 1 bác sĩ, 4 điều dưỡng và 3 tình nguyện viên để thay thế lực lượng quân y. 8 nhân sự này cùng trạm y tế đang theo dõi, chăm sóc cho 24 F0 cách ly tại nhà.
Bác sĩ Lê Trung Hiếu, Trưởng trạm Y tế phường 12, quận 10 cho biết: “F0 phải được tiếp cận nhanh nhất, cấp túi thuốc kịp thời nhất. Khi có trạm y tế lưu động, chúng tôi sẽ chia nhau công việc, hỗ trợ người dân tốt và sớm nhất”.
Ngày 9/11, Sở Y tế khẩn trương thiết lập thêm 33 trạm y tế lưu động do F0 cách ly tại nhà một số quận huyện tăng cao. Cụ thể, quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh 8 trạm, huyện Hóc Môn 4 trạm, huyện Bình Tân 1 trạm.
Lượng F0 điều trị tại nhà cao nhất hiện là quận 12 với 9.488 ca, TP Thủ Đức 6.554 ca; huyện Hóc Môn 6.406 ca; huyện Bình Chánh 3.888 ca. Trước đó, Hóc Môn cũng đã phải thiết lập 40 trạm lưu động sau buổi giám sát dịch bệnh của Sở Y tế.
Điểm khác biệt lớn nhất của trạm y tế lưu động lúc này là nhân lực. Hiện tại, các y bác sĩ từ bệnh viện thành phố và quận huyện đảm nhận nhiệm vụ. Bao gồm cả y tế công lập, ngoài công lập, phòng khám tư nhân… Còn trước đây, là lực lượng quân y.
Tùy thuộc vào số lượng F0, địa phương phải thiết lập số trạm tương ứng để đảm bảo chăm sóc hiệu quả. Mục tiêu là mỗi trạm y tế lưu động theo dõi từ 50-100 F0 cách ly tại nhà.
“Cao điểm nhất, TP có trên 500 trạm y tế lưu động do quân y hỗ trợ có hiệu quả vô cùng tốt. Hiện nay F0 giảm nhưng vẫn cần duy trì, đặc biệt với địa phương đang có số ca nhiễm cao”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Để chăm lo cho F0 tại nhà, TP hiện còn lại hơn 51.000 túi thuốc A, B. Khi cần thiết, sẽ tổ chức mua thêm 100.000 túi. Túi thuốc C hiện còn 21.417 túi. Nếu thiếu, Bộ Y tế sẽ cấp phát thêm theo đề xuất của TP.HCM.
Nguồn: Linh Giao báo Vietnamnet